Cần nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế

Theo các chuyên gia kinh tế, những giải pháp gần đây như Nghị định 08 liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hay việc hạ nhiệt lãi suất và thúc đẩy đầu tư công… đều là những giải pháp quan trọng giúp hỗ trợ cho các doanh nghiệp và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Tuy nhiên, về dài hạn vẫn cần có thêm nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn nữa mới có thể tháo gỡ những khó khăn và thách thức của thị trường và nền kinh tế.

Nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích CTCP Chứng khoán VNDIRECT cho biết, năm 2023 sẽ có khoảng hơn 250 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn và 63% trong đó sẽ được đáo hạn trong thời điểm quý II và quý III sắp tới. Có nghĩa 6 tháng tới là giai đoạn khá thử thách. Vì vậy, việc Nghị định 08 được ban hành ở thời điểm này là rất quan trọng để tạo cơ sở pháp lý cho việc tháo gỡ một số vướng mắc còn hiện hữu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tạo ra hành lang pháp lý để các tổ chức phát hành có cơ sở thỏa thuận, điều chỉnh một số điều khoản liên quan đến trái phiếu.

Thứ nữa, việc cho phép các tổ chức phát hành có thể thanh toán, thực hiện các nghĩa vụ thanh toán bằng các tài sản hợp pháp khác là khá phù hợp. Trước đây, một số doanh nghiệp đã tự thực hiện việc đàm phán với trái chủ, tuy nhiên do chưa có cơ sở pháp lý cụ thể nên việc đàm phán diễn ra khá khó khăn và tỷ lệ thành công rất thấp. Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền như hiện nay, rõ ràng Nghị định 08 đưa ra một số giải pháp khả thi, giúp cho doanh nghiệp có cơ hội lựa chọn.

“Về ngắn hạn, Nghị định 08 sẽ hỗ trợ cho việc bình ổn tâm lý của thị trường và tất nhiên đây là những tín hiệu tích cực bước đầu. Về lâu dài thị trường cần phải chờ đợi nhiều giải pháp đồng bộ hơn từ phía cơ quan quản lý cũng như từ chính bản thân doanh nghiệp. Tuy nhiên, khả năng thanh toán của các doanh nghiệp hiện nay như thế nào thì đây vẫn còn là câu hỏi. Vì hiện nay, theo cập nhật của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), danh sách các doanh nghiệp đang chậm các nghĩa vụ thanh toán ngày càng nhiều lên. Con số hiện nay là khoảng gần 50 doanh nghiệp và chúng tôi ước tính 50 doanh nghiệp này có dư nợ trái phiếu vào khoảng gần 120 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp. Và có khoảng gần 38 nghìn tỷ đồng của nhóm các doanh nghiệp này sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 15% tổng số giá trị đáo hạn của cả thị trường trong năm 2023”, bà Hiền trao đổi trong Talk show Phố Tài chính trên VTV8.

Đầu tư công, giải pháp quan trọng nhất hiện nay

Trong bối cảnh đó, bà Hiền cho rằng đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng bậc nhất hiện nay. Trong ngắn hạn, đầu tư công sẽ giúp cho nguồn vốn được lưu thông vào nền kinh tế và đầu tư công cũng thực sự là “cứu cánh” cho một số phân khúc thuộc chuỗi giá trị của bất động sản, chẳng hạn như cho nhóm nguyên vật liệu xây dựng hay nhóm doanh nghiệp xây dựng hạ tầng.

Về dài hạn, đầu tư công sẽ tạo ra giá trị thật cho các tài sản bất động sản hiện nay và một mặt khác thì việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các thành phố cấp hai, từ đó có thể hạ nhiệt được một vài điểm nóng ở thị trường bất động sản ở một số thành phố lớn. Tuy nhiên, việc thúc đẩy đầu tư công không hiện thực hóa được ngay lập tức mà vẫn cần một giải pháp mang tính dài hạn hơn.

Còn với xây dựng nhà ở xã hội, rõ ràng cơ cấu sản phẩm bất động sản hiện nay của chúng ta đang chưa hợp lý khi tỷ trọng nhà ở phân khúc trung cấp, cao cấp và đất nền đang chiếm tỷ trọng rất lớn. Trong hai năm gần đây, nguồn cung nhà ở xã hội chỉ chiếm khoảng dưới 10%, mặc dù đây là một phân khúc có tính thanh khoản cao cũng như có nhu cầu thực nhưng chúng ta chưa đáp ứng. Vì vậy, việc tập trung phát triển nhà ở xã hội cũng là một giải pháp hợp lý.

Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp Đại học Bristol, Vương Quốc Anh, thì cho rằng về dài hạn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là những hướng đi đúng đắn nhằm nắn dòng vốn vào các khu vực nhà ở xã hội và làm giảm bớt sự chênh lệch giữa cung – cầu về nhu cầu ở thực tế.

Đầu tư công cũng như nguồn tín dụng cho nhà ở xã hội sẽ giúp nguồn tiền thực có thể đi vào thị trường, tuy nhiên nguồn tiền từ đầu tư công và từ nhà ở xã hội, từ tín dụng cho xã hội này sẽ cần một khoảng thời gian dài hơi để đưa ra được thị trường.

Như vậy trong ngắn hạn, cần có những giải pháp đồng thời khác để bơm dòng tiền thật sự vào thị trường. Và dòng tiền đó có thể tự thân doanh nghiệp phải xoay được hoặc có những giải pháp như xây dựng hoặc tiến hành các dự án.

Cần những giải pháp căn cơ hơn

Bà Trần Thị Khánh Hiền cho rằng, ngoài yếu tố lãi suất mang tính chất tác động ngắn hạn thì những giải pháp như Nghị định 08 hay thúc đẩy đầu tư công… mang tính chất là tiền đề, căn cơ và cho hiệu quả dài hạn hơn. Một số vấn đề mà thị trường đang quan tâm vẫn còn đó, như khả năng thanh toán các nghĩa vụ liên quan đến trái phiếu của các doanh nghiệp như thế nào hay việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý của các dự án bất động sản hiện nay ra sao…

“Thị trường đang chờ đợi những giải pháp mang tính chất quyết liệt, mạnh mẽ hơn và đồng bộ hơn từ cơ quan quản lý, cũng như từ chính các doanh nghiệp”, bà Hiền kỳ vọng.

Ông Hồ Quốc Tuấn thì cho rằng, chúng ta đang có một sự tắc nghẽn nguồn vốn của nền kinh tế. Nếu chúng ta cần đẩy nhanh đầu tư công thì nguồn vốn thứ hai này sẽ giúp kích thích nền kinh tế. Khi vốn đầu tư công được tung ra sẽ thúc đẩy nhiều khu vực kinh tế phát triển. Có vốn đầu tư công đẩy ra, ngân hàng cũng tự tin hơn trong cho vay.

Tuy nhiên, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ở Việt Nam bị đánh giá là chậm, và như vậy thì không chỉ là vấn đề thúc đẩy dự án đầu tư công trên giấy tờ mà chúng ta cần phải giải ngân đạt đủ mục tiêu đề ra.

Bà Trần Thị Khánh Hiền thì cho rằng, thị trường đang chờ đợi một số giải pháp mang tính chất quyết liệt hơn từ phía cơ quan quản lý cũng như chính bản thân doanh nghiệp.

Thứ nhất, doanh nghiệp cần phải rõ ràng hơn trong việc công bố thông tin, cũng như đưa ra một lộ trình tái cấu trúc cụ thể. Điều này sẽ góp phần củng cố được niềm tin của nhà đầu tư vào trái phiếu của chính doanh nghiệp đó.

Thứ hai, cơ quan quản lý sẽ nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý đối với hàng loạt các dự án bất động sản đang bị đình chỉ hiện nay, điều này sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhanh chóng giải phóng hàng tồn kho để thu về dòng tiền.

Thứ ba, bài học xử lý khủng hoảng tín dụng bất động sản ở các nước trong khu vực như Trung Quốc hay Hàn Quốc cho thấy, việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận lại nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng để giải quyết những nghĩa vụ thanh toán trong ngắn hạn là rất quan trọng.