Open Banking: Cơ hội cho các ngân hàng

Theo TS. Lương Thái Bảo, Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Open Banking sẽ giúp các ngân hàng tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng với chi phí hợp lý thông qua các ứng dụng khác của đối tác, rút ngắn quá trình xử lý giao dịch, giảm thiểu các tác vụ thủ công và cung cấp được dịch vụ toàn diện, tiện lợi nhất cho khách hàng.

5445-5233-ts-luong-thai-bao-16-7743-9877

TS. Lương Thái Bảo.

Theo ông Open Banking sẽ đem lại những lợi ích gì cho hoạt động của các ngân hàng?

– Một trong những mảng ngân hàng đang đầu tư nhiều nguồn lực trong quá trình chuyển đổi số là dữ liệu. Ngân hàng kỳ vọng biến chúng thành các tài sản có thể giúp tạo ra nhiều giá trị hơn cho ngân hàng trong tương lai.

Từ góc nhìn của ngành Ngân hàng, Open Banking là mô hình kinh doanh tiềm năng khi cho phép bên cung cấp dịch vụ tài chính thứ ba tiếp cận với dữ liệu về giao dịch và tài chính của khách hàng mà ngân hàng nắm giữ thông qua việc sử dụng giao diện chương trình ứng dụng (APIs).

Nếu việc này được thực hiện sẽ mở ra không gian phát triển cho ngân hàng nói riêng, hệ thống tài chính nói chung để thúc đẩy việc tạo ra giá trị mới dựa trên tư duy của open innovation. Tức là tri thức và năng lực bên ngoài sẽ phối hợp để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới cho khách hàng.

Ông đánh giá thế nào về mức độ áp dụng mô hình này tại các ngân hàng Việt Nam hiện nay?

– Open Banking đang được hiểu và tiếp cận ở các mức độ khác nhau tại các ngân hàng Việt Nam. Qua tìm hiểu tôi thấy phần lớn các ngân hàng đã thực hiện các bước tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai việc sử dụng APIs giữa ngân hàng với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính bên ngoài. Nhưng chúng mang tính riêng lẻ và phụ thuộc vào mục tiêu chiến lược của tiến trình chuyển đổi số ở từng ngân hàng.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng Việt Nam chưa có một khuôn khổ pháp lý rõ ràng và tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất để tạo môi trường cho ngân hàng và các đối tác có thể thực sự khai thác hết tiềm năng của Open Banking. Hiện tại, với vai trò là cơ quan làm chính sách, NHNN dường như đang hướng ưu tiên việc ban hành cơ chế sandbox cho ngành Ngân hàng. Rất có thể khuôn khổ pháp lý và tiêu chuẩn kỹ thuật của Open Banking sẽ là ưu tiên tiếp theo. Khi có đủ cơ sở pháp lý các ngân hàng có thể chủ động và tự tin đầu tư cho áp dụng Open Banking nhằm đạt các mục tiêu chiến lược của Ngành như tài chính toàn diện, thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển dịch vụ tài chính số.

Tuy nhiên việc chia sẻ dữ liệu cũng có những rủi ro nhất định. Điều này có khiến các ngân hàng e ngại không, thưa ông?

– Ở đây phải khẳng định rằng, dữ liệu khách hàng đặc biệt dữ liệu của khách hàng cá nhân là yếu tố quan trọng để ngân hàng triển khai Open Banking. Mà nhóm khách hàng này mong muốn được các ngân hàng cung cấp các dịch vụ tài chính mới mang tính sáng tạo hơn. Đồng thời cũng muốn dữ liệu tài chính của mình được các ngân hàng bảo vệ đúng theo luật định liên quan đến tính riêng tư.

Tuy nhiên, nếu các ngân hàng vẫn chỉ là người duy nhất khai thác nguồn dữ liệu thì khả năng họ có thể đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng cá nhân là hạn chế hoặc cần thời gian dài hơn. Đây là mâu thuẫn lớn cần giải quyết mà nếu chỉ mình ngành Ngân hàng sẽ không xử lý được. Trong ngắn hạn, tôi chưa nhìn thấy điều kiện chúng ta có thể xác định được cơ chế phối hợp giữa các bên để giải quyết mâu thuẫn này.

Hiện tại, các ngân hàng Việt Nam vừa phải cạnh tranh với nhau trong thị trường nội địa để cung cấp các dịch vụ tài chính mới vừa chịu cạnh tranh từ các ngân hàng nước ngoài đang tham gia thị trường hoặc họ mong muốn vươn ra thị trường quốc tế. Thực tế này tạo ra một lựa chọn rất khó khăn cho họ để có thể tiếp tục tạo ra các trụ cột tăng trưởng dài hạn nếu Open Banking là một xu thế không thể đảo ngược của ngành ngân hàng toàn cầu. Ở khía cạnh này, tôi cho rằng cần sớm có chính sách rõ ràng đầy đủ cho Open Banking.