“Sóng” M&A tài chính ngân hàng sôi động trở lại

Ngay trong những tháng đầu năm 2022, thị trường Việt Nam đã chứng kiến hàng loạt các thương vụ M&A đình đám của ngành tài chính ngân hàng. Trong đó không thể không nhắc tới VPBank. Đầu tiên là việc nhà băng này muốn bán 15% cổ phần cho đối tác nước ngoài. Ngân hàng đã tiến hành lấy ý kiến đại hội cổ đông về điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,607% vốn điều lệ. Dù chưa tiết lộ cụ thể về thời gian hoàn thành kế hoạch bán vốn, nhưng đại diện ngân hàng cho biết sẽ sớm thực hiện trong các tháng tới đây.

Nằm trong chiến lược M&A, VPBank trước đó đã mua lại một công ty chứng khoán, dự kiến tới đây “bơm” cho công ty 15.000 tỷ đồng để nằm trong top các công ty chứng khoán có vốn cao nhất. Ngân hàng VPBank cũng dự định sẽ mua công ty bảo hiểm. Cụ thể, ngân hàng này sẽ 90% cổ phần của công ty bảo hiểm Opes với giá không vượt quá 1,5 lần giá trị sổ sách. Opes là doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, tái bảo hiểm quản lý quỹ và đầu tư vốn tại Việt Nam. 

Cũng trong chiều thông tin về M&A ngân hàng mùa ĐHCĐ 2022, ngân hàng TMCP Quân Đội MB được cho là sẽ thực hiện nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng phù hợp với chủ trương của Chính phủ, NHNN nhằm tái cơ cấu các ngân hàng thương mại yếu kém, lành mạnh hóa hoạt động ngành ngân hàng theo hướng an toàn bền vững, trên cơ sở tự nguyện đề xuất từ phía MB và phù hợp quy định pháp luật.

4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay gồm DongABank và 3 “ngân hàng 0 đồng” là Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank). Trong các động thái “lưu tâm” đến nhóm này, đầu năm 2022, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2022/TT-NHNN thay cho Thông tư số 08/2021/TT-NHNN về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Một trong những điểm mới của Thông tư 02 là quy định việc cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc (ngân hàng 0 đồng).

Những thương vụ M&A có giá trị tỷ USD khác có thể diễn ra trong thời gian tới là Vietcombank chào bán riêng lẻ 6,5% vốn mà nếu thành công sẽ thu về xấp xỉ 30.000 tỷ đồng. Dù vậy đây vẫn là kế hoạch được Vietcombank đặt ra từ lâu nhưng vẫn chưa hoàn tất.Trong khi đó vào tháng 8/2021, Ngân hàng SHB cũng đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng 50% vốn điều lệ tại SHB Financecho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan – thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG – Nhật Bản. Phần vốn còn lại sẽ tiếp tục chuyển nhượng sau 3 năm.